Dì Sáu
Sau biến cố 1975 gần 1 năm, ba tôi phải rời xa me con tôi để đi "cải tạo". Me tôi sau những bám víu, cố gắng đến tuyệt vọng để nuôi nấng, dạy dỗ 4 anh em tôi, vẫn không thể vượt qua số phận đành phải rời bỏ thành phố Vũng Tàu mang anh em chúng tôi về Sóc Trăng sinh sống. Địa danh này gắn bó với tôi suốt 17 năm dài. Nơi tôi ở là những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, là quê hương của bánh pía, lạp xưởng. Ở đây có một món ăn mà khi được ăn thử một lần tôi đã luôn yêu thích. Đó là bún nước lèo, món ăn độc đáo của đồng bào Khơ-me. Tô bún nước lèo đầu tiên tôi được ăn khi đi chợ với me tôi. Lúc đó theo tôi nhớ tôi đang học lớp 10. Món ăn này có một hương vị độc đáo khiến tôi không thể nào quên. Me tôi biết điều đó nên thỉnh thoảng lại mua về cho tôi ăn. Me tôi nói bún nước lèo ở đây, me tôi thích nhất là của hàng bún dì Sáu và hứa sẽ dẫn tôi đi ăn. Vậy mà lời hứa đó mãi đến năm tôi đi học xa về thăm nhà, me tôi mới làm được. Quán bún thật đắt, chưa đến 9 giờ sáng mà đã bán gần hết rồi. Me tôi biểu tôi ngồi chờ rồi qua phụ với dì Liên làm bún cho tôi. Bưng 2 tô bún qua, me nói "Dì Sáu thêm cho con cái ruột cá lóc nè!". Bún ngon thật, tôi ăn mà cứ sợ hết. Ăn xong tôi theo me đi trả tiền. Dì Sáu không nhận tiền tô bún của tôi,nói là đãi tôi. Nhìn dì rất quen nhưng tôi không nhớ ra. Trên đường về hỏi me, me tôi nhắc lại tôi mới nhớ. Dì Sáu chính là người phụ nữ đã khiến tôi có một đêm uất ức không ngủ được. Tôi vẫn nhớ hình ảnh người phụ nữ to lớn, hung dữ hôm đó, nhưng dì Sáu lại gầy ốm và có vẻ chất phát. Vẫn nhớ chuyện cũ, tôi im lặng cho đến khi về nhà. Me tôi biết tôi lòng chưa quên chuyện xưa nên ngồi xuống bên tôi trò chuyện.
"Rim à, (ông nội tôi đặt tên gọi ở nhà cho tôi là Jimmy nhưng trong gia đình bên nội, ngoại đều gọi tôi là Rim) dì Sáu khổ lắm đó con!". Thấy tôi vẫn im lặng, me kể tiếp.
"Me biết dì Sáu hơn 10 năm rồi. Lúc mới biết dì, dì chưa có ra quán bún mà chỉ ở nhà lo con cái thôi. Mọi việc bên ngoài đều do chồng dì gánh vác hết. Dì nhỏ hơn me 1 tuổi mà có đến 11 người con. Chồng dì một mình làm đủ thứ để lo cho gia đình, cực nhọc quá bị lao phổi. Dượng ấy bệnh nằm xuống mọi thứ trong nhà đều phải bán dần hết để lo chữa trị, nhà có mấy công đất cũng phải bán đi, con cái dì cũng phải nghỉ học để phụ việc mưu sinh, thuốc men cho dượng. Trong lúc tuyệt vọng có người nói có bà thầy ở bên Miên hay lắm có thể khoán bùa chữa bệnh. Nếu dì muốn, họ có thể giúp dì đi tìm với giá 5 chỉ vàng. Dì bán hết tài sản, vay mượn lối xóm, người thân để theo người môi giới qua Miên tìm thầy. Đứa con gái lớn của dì lúc đó mới 16 tuổi phải lo hết cho cả đàn em 10 đứa, đứa út năm dó chưa được 2 tuổi. Năm đó là năm 1979, năm mà Việt Nam bị đói khổ nhất. Nhà nào khá giả cũng chỉ ăn được một bữa cơm độn mà thôi. Khi ấy qua Miên rất là nguy hiểm, mất mạng hoặc bị hãm hiếp là chuyện khó tránh khỏi. Dì nói dối với dượng là có người quen ở Sài Gòn kêu lên phụ việc, hứa cho mượn tiền để chuộc lại mấy công đất. Dì đi thì mấy ngày sau về, thẩn thờ, tuyệt vọng như người tâm thần vì đã bị gạt hết tiền. Sau này mới biết dì phải chịu bao khổ sở mới xin đi nhờ xe về tới nhà. Dì về mang tâm bệnh, lầm lủi không nói chuyện với ai, tránh mặt hàng xóm, người thân. Người con gái lớn giờ phải lo hết cả mọi việc trong nhà. Độ mấy tuần sau thì dượng qua đời. Có người nói dượng tìm đến cái chết để không làm khổ tiếp vợ con. Ma chay của dượng được hàng xóm góp công, góp của tổ chức rồi đem thi thể dượng hỏa táng... Rim à, đêm dì có hành động thô lỗ với con chắc là tinh thần dì chưa bình phục hoặc xúc động hay vì một lý do nào khác. Con đừng để trong lòng nữa con nhé! "
Trong lòng tôi lúc này trống rỗng, nao nao. Tôi hỏi me "Rồi sau đó, sao me?".
Me tôi đáp "Điều mà không ai có thể ngờ được là sau ngày dượng mất, dì dần hồi phục. Có lẽ ông trời không dồn người đến đường cùng chăng? Nhưng hoàn cảnh của dì lúc đó đành phải gởi con cho người thân nuôi dùm. Chỉ đứa con gái lớn và con Út ở với dì.". Đến lúc này tôi mới chợt nhớ ra thằng Sáng con dì, là bạn học tôi bỗng dưng nghĩ học sau lần đó vài tuần. Vậy là đêm đó có phải là đêm mà gia đình dì Sáu xem phim công cộng đông đủ với nhau lần sau cùng không?" Nghĩ đến đây, nỗi oán hận trong tôi đã tan biến, chỉ còn lại sự thương cảm.
Me tôi kể tiếp "Mấy năm sau con gái dì lấy được chồng có gia đình khá giả nên dì có cuộc sống tốt hơn rồi ra hàng bún nước lèo bán đó, Rim". Me tôi lại nói tiếp "Con nhỏ đó đẹp gái lắm! Nhờ vậy lấy được chồng giàu...". Tôi hỏi lại: "Sao dì không ở với người đó?". Me nói "Dì không thích. Dì muốn lo cho con Út đàng hoàng, không muốn làm phiền gia đình con Dung nhiều. Gia đình chồng con Dung cho dì mượn tiền trả nợ. Dì bán bún, dành dụm, vậy mà cũng đã trả xong cho họ rồi đó.".
Tôi hít sâu vô, thở ra một hơi rồi quay qua nói với me tôi "Me ơi, sáng mai trước khi về trường con với me ra quán dì Sáu ăn bún nha. Con muốn chào dì một tiếng và hỏi thăm thằng Sáng.". Me tôi mĩm cười gật đầu, vỗ vỗ vào cánh tay tôi rồi đứng lên đi xuống bếp. Tôi chợt thấy lòng mình thật dịu và ấm áp. Phải chăng đó là sự cho đi và cảm thông?".